Thứ Tư, 16 tháng 12, 2015

KỸ THUẬT DẪN BÓNG THẤP TAY

Kỹ thuật dẫn bóng thấp tay là kỹ thuật được sử dụng nhiều khi đối phương kèm chặt, đột phá lên rổ, hay tấn công tốc độ…

Kỹ thuật dẫn bóng thấp tay: Đây là kỹ thuật dẫn bóng nâng cao:
+ Động tác chân: Khi bị đối phương kèm chặt thì trọng tâm sẽ hạ thấp, hạ gối tạo cho cơ thể độ vững vàng khi va chạm với đối phương. Khi tấn công tốc độ thì chân sẽ chạy tốc độ như chạy 100m, người đổ về phía trước.
+ Động tác tay: Tay xòe rộng, bám vào bóng ở các chai tay, ở phía bên của bóng. Bóng ở cạnh người, bên tay dẫn bóng, ngang tầm thắt lưng.

+ Động tác toàn thân: Khi dẫn bóng thì bóng không nằm trên mặt phẳng của chân và tay dẫn bóng mà bóng sẽ hơi lệch về phía tay dẫn bóng, bóng cao ngang tầm từ đầu gối đến thắt lưng, người đổ về phía trước khi dẫn bóng tốc độ. Tay tiếp xúc bóng ở bên bóng, có độ bám vào bóng sau đó ép bóng xuống theo chiều từ phải sang trái. Khi bóng bật lên thì đón bóng từ dưới, hoãn xung lên ngang tầm gối đến thắt lưng sau đó tiếp tục ép bóng xuống. Động tác ép bóng xuống sử dụng cánh tay và gập bàn tay là chủ yếu. Lúc đầu mới tập có thể nhìn vào bóng. Khi cảm giác tốt hơn thì tầm nhìn chủ yếu là về phía trước và hai bên.

KỸ THUẬT DẪN BÓNG CAO TAY

Dẫn bóng là kỹ thuật động tác tạo khả năng cho người chơi có thể kiểm soát bóng trên toàn sân với tốc độ thay đổi và theo bất cứ hướng nào. Dẫn bóng cho phép thoát khỏi sự kèm chặt của đối phương, hay gây sự chú ý của đối phương vào mình rồi chuyền bóng cho đồng đội ghi điểm. Nhưng không nên lạm dụng để tránh là giảm tốc độ phản công hay làm rối loạn nhịp độ trận đấu.

Kỹ thuật dẫn bóng cao tay: Đây là kỹ thuật dẫn bóng cơ bản, được sử dụng khi không có đối phương kèm chặt.

+ Động tác chân: Chân chạy tự nhiên như bình thường, người hơi đổ về phía trước.

+ Động tác tay: Tay xòe tự nhiên, bám vào bóng ở các chai tay, ở phía trên của bóng. Bóng cách người 1 cánh tay, ở phía trước, ngang tầm ngực.

+ Động tác toàn thân: Khi dẫn bóng thì bóng nằm trên mặt phẳng của chân và tay dẫn bóng, bóng cao ngang tầm ngực, cách người 1 cánh tay, người hơi đổ về phía trước. Tay tiếp xúc bóng có độ bám vào bóng sau đó ép bóng xuống đều về phía trước. Khi bóng bật lên thì đón bóng từ dưới, hoãn xung lên ngang tầm ngực sau đó tiếp tục ép bóng xuống. Động tác ép bóng xuống sử dụng cánh tay và gập bàn tay là chủ yếu. Lúc đầu mới tập có thể nhìn vào bóng. Khi cảm giác tốt hơn thì tầm nhìn chủ yếu là về phía trước và hai bên.



Chủ Nhật, 13 tháng 12, 2015

5 KỸ NĂNG CẦN CÓ CỦA MỘT HẬU VỆ DẪN BÓNG XUẤT SẮC.

Hầu như không có một định nghĩa rõ ràng nào dành cho một hậu vệ dẫn bóng xuất sắc, nhưng ta có thể thấy một PG đỉnh cao khi có sự kết hợp các khả năng kiểm soát bóng, ghi điểm (scorer), kiến tạo (distributor) một cách xuất sắc nhất.

đồng thời cũng là một nhà lãnh đạo thực thụ trên sân. Vậy, để trở thành một hậu vệ dẫn bóng xuất sắc bạn cần có những kỹ năng nào?

1. Kỹ năng kiểm soát bóng:

Khi nói đến kiểm soát bóng, thì không ai có thể sành sõi hơn một PG đúng kiểu. Vì vậy, để đạt được trình độ nhồi bóng đủ đảm nhận vị trí này là không hề đơn giản. Bạn không phải chỉ nhuần nhuyễn những động tác nhồi từ cơ bản đến nâng cao mà còn phải không ngừng duy trì khả năng kiểm soát bóng của mình một cách tích cực và thường xuyên.


Các động tác nhồi bóng cơ bản sẽ giúp bạn rèn luyện những kỹ năng nhồi bóng cơ bản và cần thiết nhất cho một PG.


Khi đã thuần thục những động tác cơ bản, giờ là lúc để nâng cao thêm một bậc với các động tác nhồi bóng nâng cao.



Trong quá trình tập luyện nhồi bóng, bạn phải tạo thói quen luôn giữ cảm giác bóng ở bất cứ đâu, bất cứ lúc nào có thể bằng những bài tập đơn giản với các bài tập cảm giác bóng.


2. Ném rổ:


Nếu nói rằng, việc ném rổ chỉ dành cho Shooting Guard (SG) hoặc Small Forward (SF) thì đó là hiểu biết chưa đầy đủ. Điểm thu hút của môn bóng rổ chính là khả năng ghi điểm từ một khoảng cách xa, vì vậy ném bóng không chỉ dành cho 1-2 vị trí trên sân mà tất cả mọi cầu thủ muốn thi đấu hiệu quả đều phải biết ném bóng, việc này càng quan trọng hơn đối với một Hậu về điều phối bóng.

Để ném rổ được tốt bạn phải học về kỹ thuật ném rổ, và để tăng cường khả năng ném rổ của mình không có cách nào khác ngoài việc tập luyện thường xuyên và tăng độ khó dần với việc ném bóng khi có đối phương cản phá dành cho các PG.

3. Chuyền bóng:


Một trong những điểm nổi bật thể hiện đẳng cấp của một PG là khả năng điều phối bóng đến nơi cần đến. Dù mạnh đến đâu nhưng cũng sẽ rất khó giành chiến thắng nếu một đội bóng có số lần Turn-Over (mất bóng) quá nhiều, chính vì thế vai trò của Hậu vệ điều phối bóng là cần thiết hơn bao giờ hết.


Trong bóng rổ thường nhắc đến thuật ngữ "Passing on the Move", có nghĩa là chuyền trong lúc đang di chuyển, đây là kỹ năng khá quan trọng đối với PG khi "mồi" bóng đến đúng vị trí thuận lợi cho đồng đội dứt điểm.



Hơn nữa, để được công nhận là một PG giỏi bạn cần biết cách gây nguy hiểm cho đối phương bằng cách "Feeding the Post", tức là một trong những đường chuyền hướng vào khu cấm địa đến các cầu thủ đánh trong như Center (C) hoặc Power Forward (PF) để tìm cơ hội ghi điểm. Việc tập luyện các đường chuyền hướng vào khu cấm địa sẽ là một kỹ năng tối quan trọng cho PG.


4. Phòng thủ ngoài:


Chưa phải là kết thúc nếu quyền kiểm soát bóng không thuộc về đội bạn. Ở vai trò là một Point Guard, bạn sẽ là hàng rào chắn đầu tiên ngăn chặn các đợt tấn công sâu hơn vào bên trong khu cấm địa. Đến lúc này, hãy sử dụng bí quyết phá các đợt tấn công của đối phương bằng phòng thủ vòng ngoài.


Mặt khác, theo kinh nghiệm thi đấu của nhiều người, hậu vệ sẽ luôn phải đối mặt thường xuyên với tình huống phản công nhanh, thường là 2-on-1, vì vậy PG càng phải đặc biệt chủ động tập luyện đối mặt với những tình huống phản công nhanh như thế này để có thể ứng phó kịp thời trong trận đấu.


5. Khả năng lãnh đạo:


Point Guard luôn là một thủ lĩnh trên sân bóng! Vậy làm thế nào để mọi người luôn tôn trọng mình, nghe lời mình trong khi đấu lẫn khi tập luyện? Thật may mắn đó không phải là một tài năng thiên phú mà là một kỹ năng bạn có thể rèn luyện được.


Để lãnh đạo được người khác trước tiên bạn phải lãnh đạo được chính mình, thay đổi những thói quen nhỏ để giúp xây dựng lòng tin nơi những người đồng đội của mình.



Thứ Bảy, 12 tháng 12, 2015

5 KIỂU MẪU HẬU VỆ DẪN BÓNG - POINT GUARD - Phần 2

Trong thế giới bóng rổ hiện đại ngày nay, một số người theo trường phái PG phải là người có khả năng vượt qua hàng phòng thủ và ghi điểm, một số khác lại thích mẫu hậu vệ kiến tạo cho đồng đội của mình. Nhưng nhìn chung, phần lớn mọi người đều công nhận Point Guard là vị trí quan trọng nhất trong đội hình. Đây là cầu thủ có thời gian kiểm soát bóng nhiều nhất trận đấu, mỗi quyết định hay hành động của PG đều gây ảnh hưởng đến những cầu thủ còn lại đồng thời giúp họ phản ứng linh hoạt trong việc phòng thủ. Một hậu vệ phối bóng tốt là người biết đưa ra những quyết định phù hợp nhất cho đội bóng dựa trên khả năng của mình và đồng đội.


Như vậy, có thể chia Point Guard thành các kiểu mẫu như sau:


1. Người thiết lập:



Mẫu hậu vệ điển hình mà chúng ta thường gặp. Kiểu hậu vệ này có nhiệm vụ giữ bóng trong các tình huống tấn công bên phần sân đối phương và đảm bảo làm sao để ít bị mất bóng nhất có thể “Đảm bảo an toàn cho bóng là số 1”. Để trở thành một PG đúng nghĩa, ít nhất, bạn phải trở thành Người Thiết Lập này đã.


2. Nhà phân phối tài năng:


Đây là kiểu hậu vệ cổ điển với nhiệm vụ chính là phân phối bóng một cách khéo léo đến đồng đội để ghi điểm. Những người thuộc tuýp này thường có tầm quan sát rất tốt và dễ dàng nhận ra những cơ hội giúp đồng đội kết thúc pha bóng một cách nhanh chóng. Các hậu vệ này sẽ đặt trọng trách chuyền bóng cho đồng đội hơn là tự mình ghi điểm. Hay nói một cách khác, đây là mẫu hậu vệ theo phong cách "Phân phối bóng là số 1".


3. Sát thủ ghi điểm:


Mặc dù ở vị trí là Point Guard nhưng mẫu cầu thủ kiểu này luôn có tư tưởng ghi điểm nhiều hơn là kiến tạo cho đồng đội. Derrick Rose sử dụng những khả năng vốn có của một hậu vệ để vượt qua hàng phong thủ đối phương và ghi điểm một cách hiệu quả không thua gì một Power Foward (PF) hay Small Forward (SF). Và tất nhiên, dù vẫn cao nhưng số lần kiến tạo (Assist) của họ cũng tỉ lệ nghịch so với khả năng ghi điểm. Với họ “Ghi điểm là số 1”.


4. Người thúc đẩy trận đấu:


Chris Paul được biết đến như một hậu vệ cừ khôi bởi lối chơi vô cùng sắc sảo của mình. Khi theo dõi những hậu vệ này trên sân, người ta sẽ có cảm giác dường như anh ta có thêm một đôi mắt phía sau lưng vậy. Khác với kiểu thuần Distributor hay Scorer, kiểu hậu vệ này luôn tìm kiếm những cơ hội tốt nhất cho đội mình, điển hình là những pha "nhả" bóng ra 0 độ cho SG hay một cú lướt biên mạo hiểm để lên rổ. Hôm nay họ có thể chơi như một nhà kiến tạo nhưng ngày mai có thể là một sát thủ ghi điểm đích thực, nhưng điều đó không quan trọng, miễn sao đội họ dành chiến thắng. Có thể thấy, đây là một mẫu cầu thủ có chỉ số IQ bóng rổ cao nhất và luôn đưa ra những quyết định đúng nơi, đúng thời điểm mà không phải do ngẫu nhiên hay may mắn. Ngoài ra, chúng ta cũng có thể gọi họ với một cái tên khác là "Người tạo ra trận đấu".


5. Hậu vệ toàn diện: 


Hầu như không có một định nghĩa rõ ràng nào dành cho kiểu hậu vệ này, nhưng ta có thể thấy đây chính là đỉnh cao của PG khi kết hợp các khả năng ghi điểm (scorer) và kiến tạo (distributor) một cách xuất sắc nhất, đồng thời cũng là một nhà lãnh đạo thực thụ trên sân với bề dày kinh nghiệm.


Thực tế cho thấy, dù bất cứ tuýp hậu vệ nào đi chăng nữa, thì ở vai trò cầm trịch trận đấu, quyết định trên sân là điều quan trọng nhất. Không ai buộc bạn phải chuyền bóng cho người khác, không ai bắt bạn phải lao vào vòng cấm địa, càng không ai có thể khiến bạn phải quay cuồng ghi điểm. Chỉ có QUYẾT ĐỊNH hợp lý và đúng thời điểm mới giúp bạn tỏa sáng như một PG đích thực.

Thứ Năm, 10 tháng 12, 2015

HẬU VỆ DẪN BÓNG-POINT GUARD

Hậu vệ phối bóng (Point Guard - PG) là một trong 5 vị trí chính thức trong môn bóng rổ, nếu dùng con số để thể hiện thì đây chính là vị trí số 1. Nhiệm vụ chính của PG là tạo cơ hội ghi điểm cho cả đội và đôi khi tự mình tấn công trực diện.


PG được ví như một vị HLV trên sân đấu, người dẫn dắt và phân phối bóng đến đúng người vào đúng thời điểm. Nó bao gồm cả việc sắp đặt các chiến thuật tấn công nhằm đưa bóng đến vị trí thuận lợi nhất cho việc ghi điểm và điều khiển nhịp độ trận đấu. Một hậu vệ phối bóng tốt phải nắm rõ khi nào phải phản công nhanh hoặc khi nào thì nên tấn công một cách thận trọng.

Hơn nữa, vị trí này đòi hỏi cầu thủ phải luôn ghi nhớ trong đầu thời gian còn lại của đợt tấn công, thời gian của cả hiệp đấu, tỉ số và cả số lần hội ý đã sử dụng của mỗi bên,... nhằm đưa ra những quyết định tốt nhất cho đội bóng.


Sau khi kết thúc đợt tấn công của đối phương, thông thường Point Guard sẽ là người cầm bóng để bắt đầu một cuộc tấn công cho đội mình. Các kỹ năng Chuyền - Nhồi - Ném và khả năng Quan sát toàn diện là thứ không thể thiếu cho vị trí này, trong khi đó, tốc độ lại chính là yếu tố quan trọng quyết định sự thành công ở vị trí này. Tốc độ và sự linh hoạt giúp cho các hậu vệ dù có thân hình nhỏ bé hơn nhưng vẫn có thể tạo ra những khoảng trống cần thiết để hoạt động. PG thường được đánh giá cao dựa trên tỉ lệ kiến tạo hơn là tỉ lệ ghi điểm của họ. Một yếu tố quan trọng khác chính là kỹ năng ra quyết định chính xác của mỗi hậu vệ. Ngoài ra, những hậu vệ tài năng luôn có khả năng nhảy ném rất tốt.


Thể hình không quá cao to cũng chính là lợi thế của hậu vệ phối bóng. Như đã đề cập, tốc độ, sự linh hoạt và kỹ năng kiểm soát bóng mới chính là yếu tố quyết định. Một hậu vệ có chiều cao trung bình sẽ dễ dàng điều khiển bóng hơn do trọng tâm ở sát mặt đất.


Ở Việt Nam, chiều cao trung bình được cho là phù hợp với một PG thường từ 1m65 đến dưới 1m85.

Thứ Tư, 9 tháng 12, 2015

QUÁ TRÌNH THỰC HIỆN KỸ THUẬT TẠI CHỖ NÉM RỔ

·    Đây là phương pháp tấn công rổ rất phổ biến từ khoảng cách trung bình và xa. Đặc biệt là ném phạt khi có lỗi.
·        

·         Bước 1: Tư thế chuẩn bị
Hai chân rộng bằng vai, 2 bàn chân song song, 2 mũi chân hướng ném, chân ở tay ném cao hơn chân còn lại nửa bàn chân, hạ gối, trọng tâm hạ thấp và rơi vào nửa bàn chân trước. Tay ném rổ mở rộng tự nhiên và cầm bóng ở phía trên và tiếp xúc bóng ở các chai tay, tay còn lại đỡ ở phía bên bóng. Mắt nhìn tập trung về phía rổ.
·        

Bước 2: Ném rổ
Bóng được đưa từ dưới lên vị trí ở trước trán, ở phía trước của mắt cùng với tay ném rổ, lúc này cùi chỏ hướng về phía rổ. Lực ném bóng được phối hợp từ dưới chân lên, duỗi gối, lực lên hông, đến vai, cẳng tay, duỗi cánh tay, gập cổ tay và bàn tay miết vào bóng, bóng rời tay ở ngón tay trỏ và ngón giữa. Bóng đi với góc 45độ (là tốt nhất) so với mặt đất, lúc rời tay bóng có xu hướng xoáy ngược lại do tác động của bàn tay miết vào bóng.


·         Bước 3: Kết thúc

·         Khi bóng rời tay, giữ nguyên tư thế khoảng 2s để định hình (có thể điều chỉnh hướng, lực, góc độ cho những lần ném sau).

QUÁ TRÌNH THỰC HIỆN KỸ THUẬT 2 BƯỚC LÊN RỔ

Đây là kỹ thuật thường được sử dụng nhiều khi tấn công rổ đối phương trong di chuyển đột phá từ khoảng cách gần hoặc trực tiếp sau khi bóng bật bảng. Để thực hiện kỹ thuật 2 bước lên rổ được dễ dàng, thì chúng ta phân ra các động tác với chân và tay.


Động tác chân: Ví dụ bạn là số 2 Shooting Guard bạn đang dẫn bóng thực hiện kỹ thuật 2 bước lên rổ (bằng tay phải theo đường đen, ở góc 45độ). Khi bạn dẫn bóng đến điểm trắng đầu, bạn đặt chân trái vào (ở vị trí này sau khi thực hiện 2 bước lên rổ, bạn sẽ có khoảng cách so với rổ và góc độ với bảng rổ (45độ) là thuận lợi nhất).
                                    

Sau đó bạn thực hiện bước thứ 1, lúc này chân phải sẽ đặt vào điểm trắng thứ 2 và tiếp theo là bước thứ 2 chân trái sẽ đặt ở điểm trắng thứ 3, đồng thời bạn bật lên (chân phải sẽ đá lăng để lấy đà giúp cho bạn bật nhảy cao nhất, như hình vẽ).


Động tác tay: Khi chân trái vào điểm trắng đầu bạn sẽ cần bóng bằng 2 tay ở trước ngực, ở bước thứ 1 và 2 bạn đưa bóng lên trên đầu và khi bật nhảy lên ở điểm cao nhất, bạn thực hiện ném rổ bằng tay phải (như hình vẽ). 


Kết thúc động tác bóng rời tay và điểm ném là ở đỉnh hình chữ nhật trên bảng rổ (trong hình ném rổ chính diện thì bạn ném trực tiếp vào rổ), cuối cùng là tiếp đất bằng 2 chân.

Nếu bạn ném rổ bằng tay trái, động tác chân và tay sẽ là ngược lại.